Bệnh đạo ôn hại lúa, do nấm Pyricularia oryzae gây ra, là một trong những bệnh nguy hiểm nhất trên cây lúa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng hạt. Vậy làm sao để bà con nhận biết sớm các triệu chứng bệnh từ đó áp dụng các biện pháp phòng trừ kịp thời? Cùng tìm hiểu chi tiết đặc điểm bệnh đạo ôn hại lúa trong bài viết dưới đây nhé!
1. NGUYÊN NHÂN VÀ TÁC NHÂN GÂY BỆNH ĐẠO ÔN
Bệnh đạo ôn được gây ra bởi nấm Pyricularia oryzae, một loại nấm ký sinh gây hại trên nhiều bộ phận của cây lúa. Nấm này có khả năng tồn tại trên tàn dư thực vật, cỏ dại, và hạt giống, tạo nguồn lây nhiễm ban đầu.
Một vết bệnh đặc trưng có thể sản sinh từ 4.000–5.000 bào tử trong một đêm. Và quá trình này có thể kéo dài 10–15 ngày, cho thấy khả năng lây lan nhanh chóng qua gió và nước.

2.ĐẶC ĐIỂM CỦA BỆNH ĐẠO ÔN HẠI LÚA
Bệnh đạo ôn có thể tấn công tất cả các giai đoạn sinh trưởng của lúa. Từ mạ đến trỗ chín, và ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác nhau.
Trên lá lúa
- Ban đầu, xuất hiện những đốm nhỏ màu xám xanh hoặc mờ như vết dầu, sau đó chuyển sang màu nâu nhạt hoặc xám trắng.
- Trên các giống lúa mẫn cảm, vết bệnh phát triển thành hình thoi, dày, với viền nâu nhạt hoặc xám đen, phần giữa có màu nâu xám. Các vết bệnh có thể liên kết, gây cháy lá, làm lá khô héo và cây mất sức.
- Trên giống lúa kháng bệnh, vết bệnh thường là các chấm nhỏ, không có hình dạng đặc trưng.
- Trong trường hợp nặng, lá bị cháy, dẫn đến cây bị héo và giảm năng suất đáng kể.

Trên cổ bông (cổ gié)
- Ban đầu, vết bệnh có màu xám xanh, sau đó chuyển sang nâu và cuối cùng là nâu đen.
- Trong điều kiện ẩm ướt cao, có thể xuất hiện bào tử nấm màu xám xanh, làm cổ bông dễ gãy, khiến bông lúa trông thưa thớt.
- Bệnh làm cổ bông thối, cản trở vận chuyển dinh dưỡng, dẫn đến hạt lép hoặc bông không đầy. Nếu nhiễm sớm, có thể gây vô sinh hoàn toàn.

Trên hạt lúa
- Vết bệnh trên hạt không có hình dạng đặc trưng, thường là đốm nâu xám hoặc nâu đen, đường kính 1–2 mm.
- Hạt bị nhiễm bệnh có thể lép, kém chất lượng, và nếu nhiễm sớm, có thể dẫn đến vô sinh hoàn toàn. Hạt bệnh còn có thể truyền bệnh sang vụ sau.

Trên bẹ lá và đốt thân
Xuất hiện đốm nâu đỏ, sau chuyển sang nâu đậm. Trong trường hợp nặng, có thể gây gãy đốt thân, đặc biệt ở giai đoạn trỗ bông, dẫn đến bông trắng và lép.

3. ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI CHO BỆNH ĐẠO ÔN PHÁT TRIỂN
Bệnh đạo ôn phát triển mạnh trong các điều kiện sau:
- Nhiệt độ: Nhiệt độ lý tưởng là 20–30°C, với phạm vi từ 10–30°C. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm. Đặc biệt trong vụ Đông Xuân, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh bùng phát.
- Độ ẩm: Độ ẩm trên 80%, đặc biệt là trong điều kiện mưa phùn, sương mù kéo dài, hoặc thời tiết âm u.
- Đất đai: Bệnh nặng hơn ở đất trũng, thoát nước kém, hoặc đất giàu dinh dưỡng. Đặc biệt là các cánh đồng mới khai hoang, đất nhẹ, giữ nước kém, hoặc có lớp đất sét mỏng.
- Phân bón: Bón quá nhiều phân đạm, điển hình là đạm amoni sunfat (SA), hoặc bón muộn, vào lúc nhiệt độ thấp và cây còn non, làm tăng mức độ bệnh. Ngược lại, bón cân đối đủ N-P-K hoặc bổ sung phân lân trên đất phèn có thể giảm bệnh.
- Thời tiết: Bệnh phát triển mạnh trong các vụ lúa Mùa muộn (trỗ-chín) ở Miền Bắc Việt Nam, hoặc vụ Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt khi có khô hạn, ngập úng kéo dài, hoặc sương mù liên tục.

4. ĐẶC ĐIỂM LÂY LAN BỆNH ĐẠO ÔN TRÊN CÂY LÚA
- Bào tử nấm lây lan qua gió, nước mưa, hoặc hạt giống bị nhiễm. Quá trình lây lan thường diễn ra mạnh vào ban đêm, nhờ giọt nước hoặc sương giúp bào tử nảy mầm và xâm nhập vào mô ký chủ.
- Sau 4 – 5 ngày, vết bệnh mới có thể xuất hiện, tạo chu kỳ lây lan nhanh, đặc biệt trong điều kiện ẩm ướt.
- Nấm có thể tồn tại trên tàn dư cây trồng, lúa chét, cỏ dại, làm nguồn bệnh kéo dài qua các vụ.
5. TÁC HẠI VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA BỆNH ĐỐI VỚI CÂY LÚA
- Bệnh đạo ôn gây giảm năng suất nghiêm trọng trên cây lúa. Khi tấn công ở giai đoạn trỗ bông, có thể làm mất 50–90% năng suất.
- Chất lượng hạt giảm, hạt lép, kém phẩm cấp, ảnh hưởng đến giá trị thương mại.
- Nếu bệnh xuất hiện sớm trên cổ bông, bông lúa có thể bị lép hoàn toàn; nếu muộn, có thể gây gãy cổ bông, làm mất thu hoạch.

6. CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ BỆNH ĐẠO ÔN HẠI LÚA
Bệnh đạo ôn có thể gây giảm năng suất từ 0.7-17.4% nếu chỉ 1% số bông lúa bị nhiễm, do đó việc phòng trừ kịp thời là rất quan trọng. Cần kết hợp các biện pháp canh tác và hóa học một cách hợp lý, không nên dựa hoàn toàn vào thuốc trừ nấm để tránh kháng thuốc và ô nhiễm môi trường. Dưới đây là một số biện pháp giúp bà con phòng trừ bệnh đạo ôn hiệu quả.
- Chọn giống kháng bệnh: Sử dụng giống lúa có khả năng kháng đạo ôn để giảm nguy cơ nhiễm bệnh.
- Vệ sinh đồng ruộng: Dọn sạch rơm rạ, cỏ dại để loại bỏ nguồn lây nhiễm.
- Quản lý phân bón: Bón cân đối, tránh lạm dụng đạm, tăng cường kali.
- Quản lý nước: Giữ mực nước phù hợp, tránh ruộng quá ẩm.
- Sử dụng thuốc trừ nấm: Phun thuốc đặc hiệu khi bệnh xuất hiện, tuân thủ nguyên tắc 4 đúng.
- Theo dõi thường xuyên: Kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời.
Để đảm bảo cây lúa sinh trưởng phát triển tốt và mang lại năng suất cao, bà con nên chủ động thăm đồng thường xuyên và áp dụng sớm các biện pháp phòng trừ bệnh, điển hình là bệnh đạo ôn. Chúc bà con mùa vàng bội thu.
Bài viết mới
- BỆNH GHẺ TRÊN CÂY ỔI: NGUYÊN NHÂN, ĐẶC ĐIỂM VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ
- TÌM HIỂU QUÁ TRÌNH SINH TRƯỞNG CỦA MỌT ĐỤC CÀNH HẠI BƠ VÀ CÁCH PHÒNG TRỪ
- ỐC BƯU VÀNG HẠI LÚA: QUÁ TRÌNH SINH TRƯỞNG, ĐẶC ĐIỂM GÂY HẠI VÀ CÁCH PHÒNG TRỪ
- BỆNH LEM LÉP HẠT LÚA: NGUYÊN NHÂN, ĐẶC ĐIỂM VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ
- RỆP XƠ BÔNG TRẮNG: QUÁ TRÌNH SINH TRƯỞNG, ĐẶC ĐIỂM GÂY HẠI VÀ CÁCH PHÒNG TRỪ