BỆNH TRẮNG LÁ MÍA: ĐẶC ĐIỂM, ĐIỀU KIỆN PHÁT TRIỂN VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ
Bệnh trắng lá mía là một trong những bệnh nguy hiểm hàng đầu trên cây mía, gây thiệt hại lớn cho ngành mía đường, đặc biệt ở các vùng trồng mía tập trung tại Việt Nam và các nước châu Á. Bệnh có khả năng tái xuất, lan rộng và phát triển nhanh hơn ban đầu. Vậy các đặc điểm điển hình của bệnh trắng lá mía là gì? Cũng như điều kiện phát triển bệnh và cách phòng tránh như thế nào? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
1. NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH TRẮNG LÁ Ở CÂY MÍA
Bệnh trắng lá mía gây ra bởi phytoplasma, một loại sinh vật gây bệnh có đặc tính trung gian giữa vi khuẩn và vi rút. Chính điều này khiến việc phòng trừ trở nên phức tạp.
Phytoplasma lần đầu được phát hiện ở Đài Loan vào năm 1958, sau đó lan rộng sang các nước như Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Sri Lanka, Campuchia, Lào, và Việt Nam. Ở Việt Nam, bệnh được ghi nhận lần đầu vào năm 1996 tại các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Thuận, liên quan đến giống ROC từ Đài Loan.

2. ĐẶC ĐIỂM CỦA BỆNH TRẮNG LÁ MÍA
Bệnh có nhiều dạng triệu chứng, được phân loại thành 5 loại chính với những biểu hiện điển hình như:
- Lá toàn bộ chuyển trắng, hoại tử từ mép lá, xuất hiện đốm đỏ, cây lùn, chết dần.
- Lá mất diệp lục, trắng hoàn toàn với màu xanh nhạt, lá mầm hẹp, cây lùn, nhiều nhánh, bẹ lá không trắng.
- Cây phát triển bình thường, nhưng lá có mảng hoặc sọc trắng, mép lá gợn sóng, đầu lá xoắn, nặng thì lá đổi màu nhưng giữ vệt xanh.
- Cây phát triển bình thường, có sọc trắng song song với gân lá, thỉnh thoảng mọc chồi trên thân, nhẹ thì phục hồi với chăm sóc tốt nhưng năng suất và chất lượng giảm, năm sau nặng hơn.
- Cây lùn, lá ngắn cứng, nhiều chồi vàng, mảng trắng trên nền vàng-xanh, chết trong vài tháng.

Các triệu chứng này ảnh hưởng đến quá trình quang hợp, làm giảm chiều cao thân, đường kính, số lóng, và số lá xanh, dẫn đến năng suất và chất lượng mía giảm đáng kể.
3. ĐIỀU KIỆN PHÁT TRIỂN VÀ KHẢ NĂNG LÂY LAN BỆNH
Bệnh lây lan chủ yếu qua hom giống bị nhiễm. Vì ở Việt Nam, loài rầy lá trung gian (Matsumuratettix hiroglyphicus Mats) chưa được ghi nhận. Trên thế giới, rầy lá là tác nhân truyền bệnh, nhưng tại Việt Nam, bệnh được cho là lây lan qua hom, đặc biệt từ các giống nhập khẩu từ Thái Lan trong những năm gần đây.
- Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, nhiệt độ từ 25-35°C.
- Đất thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là kali, làm cây dễ nhiễm hơn.
- Các điều kiện như hạn hán kéo dài hoặc ngập úng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh lan rộng.

4. CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ BỆNH TRẮNG LÁ MÍA
Những ảnh hưởng của bệnh trắng lá mía là rất nghiêm trọng. Giảm năng suất và chất lượng đáng kể. Bởi thế bà con nên chủ động các biện pháp phòng ngừa và phòng trừ quyết liệt để hạn chế tối đa mầm bệnh phát triển cũng như lây lan diện rộng. Dưới đây là một số giải pháp giúp phòng trừ bệnh trắng lá mía:
- Chọn giống và xử lý hom: Sử dụng giống mía sạch bệnh, kháng bệnh như K88-200, MY 5514, K84-200, ROC 16, Uthong 3. Xử lý hom bằng nước nóng (50-54°C trong 60 phút) hoặc ngâm trong dung dịch ledermycin/tetracycline 500ppm.
- Tiêu hủy và luân canh: Đối với diện tích nhiễm nhẹ, nhổ và tiêu hủy cây bệnh, rắc vôi vào gốc để hạn chế lây lan. Diện tích nhiễm nặng cần cày tiêu hủy và luân canh 1-2 năm với các cây trồng khác trước khi trồng lại mía.
- Canh tác tốt: Bón phân cân đối, bổ sung kali, tưới nước đầy đủ, diệt cỏ, và xen canh với đậu phộng hoặc cây họ đậu để cải thiện dinh dưỡng đất.
- Kiểm soát côn trùng: Theo dõi rầy lá, rệp sáp trên thân, và sử dụng thuốc trừ sâu khi cần thiết để ngăn chặn lây lan.
- Ngăn chặn vận chuyển: Tránh vận chuyển mía từ vùng bị bệnh sang vùng lành để hạn chế dịch lan rộng.
Bệnh trắng lá mía ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây mía. Triệu chứng thường thấy là lá chuyển màu trắng hoặc xanh nhạt, đặc biệt ở lá non, kèm theo các đốm hoặc sọc trắng, vàng. Cây có thể bị lùn, phát triển kém, và trong trường hợp nặng, toàn bộ cây có thể chết. Vì vậy bà con cần áp dụng các biện pháp phòng trừ sớm để phát huy hiệu quả tốt nhất và đảm bảo cho năng suất mùa vụ đạt năng suất cao.
Bài viết mới
- BỆNH GHẺ TRÊN CÂY ỔI: NGUYÊN NHÂN, ĐẶC ĐIỂM VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ
- TÌM HIỂU QUÁ TRÌNH SINH TRƯỞNG CỦA MỌT ĐỤC CÀNH HẠI BƠ VÀ CÁCH PHÒNG TRỪ
- ỐC BƯU VÀNG HẠI LÚA: QUÁ TRÌNH SINH TRƯỞNG, ĐẶC ĐIỂM GÂY HẠI VÀ CÁCH PHÒNG TRỪ
- BỆNH LEM LÉP HẠT LÚA: NGUYÊN NHÂN, ĐẶC ĐIỂM VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ
- RỆP XƠ BÔNG TRẮNG: QUÁ TRÌNH SINH TRƯỞNG, ĐẶC ĐIỂM GÂY HẠI VÀ CÁCH PHÒNG TRỪ